Sàn Bắc Giang, Sàn giao dịch công nghệ, sàn trực tuyến, chuyển giao công nghệ, mua bán công nghệ

Sàn Bắc Giang, Sàn giao dịch công nghệ, sàn trực tuyến, chuyển giao công nghệ, mua bán công nghệ

Chào mừng đến với sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Bắc Giang!

Các hệ điều hành smartphone hiện nay

Các hệ điều hành smartphone hiện nay

 

 Hệ điều hành di động là phần mềm dành cho các thiết bị điện thoại di động, chúng cũng có thể được tuỳ chỉnh để dành cho các thiết bị di động khác như laptop, máy tính bảng, đồng hồ thông minh... Chúng là một phần mềm quản lý, điều khiển các dịch vụ, ứng dụng và phần cứng của thiết bị. Nếu trước đây, hệ điều hành còn khá đơn giản thì hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, các hệ điều hành của thế hệ điện thoại thông minh ngày càng phức tạp và đa năng hơn rất nhiều.

Trước năm 1993, điện thoại di động mới chỉ sử dụng các hệ thống nhúng thì đến năm 2007, khi chiếc điện thoại Iphone đầu tiên được trình làng, cuộc chiến của các hệ điều hành mới thực sự bắt đầu. Trong nhiều năm tiếp theo, người ta thấy rất nhiều hệ điều hành được phát triển nhưng mọi thứ dần đi vào hồi kết năm 2009, khi Samsung ra mắt chiếc smartphone chạy Android đầu tiên. Những năm sau đó, các hãng khác cũng tìm cách xây dựng hệ điều hành của riêng mình nhưng rồi tất cả đều thất bại bởi 2 cái tên Android và IOS. Hiện nay, Android và IOS đang là 2 hệ điều hành áp đảo trong thế giới di động.

Android thuộc sở hữu của Google trong khi IOS thuộc Apple.

Theo số liệu của của trang StockApps.com, thị phần đến tháng 1 năm 2022 của Android là 69,74%, một con số ấn tượng cho thấy hệ điều hành này phổ biến đến mức nào. Hầu như các điện thoại thông minh hiện này đều đến từ những cái tên sau: Samsung, Apple, Xiaomi, Huawei, Oppo trong đó chỉ duy nhất Apple sử dụng hệ điều hành của riêng họ, các hãng còn lại đều đã và đang dùng Android làm hệ điều hành trên thiết bị của mình.

Android là một phần mềm mã nguồn mở được xây dựng dựa vào nhân Linux, chuyên dành cho các thiết bị di động có màn hình cảm ứng. Ban đầu nó là sản phẩm của Android, Inc nhưng từ năm 2005 đến nay, Android là nền tảng thuộc sở hữu của Google sau thương vụ trị giá 50 triệu USD. Có những nguồn tin cho rằng Samsung từng có cơ hội sử hữu Android nhưng lúc đó, các nhà lãnh đạo của Samsung chưa nhận thấy tương lai của nó và đã để Google hoàn tất thương vụ này. Có lẽ giờ đây Samsung cảm thấy hối tiếc khi chính Samsung cũng phải sử dụng Android cho những chiếc điện thoại của mình. Tuy nhiên, chưa chắc Android sẽ có vị thế hôm nay nếu rơi vào tay Samsung khi có thể tầm nhìn của 2 công ty là khác nhau. Google đã biến Android trở nên phổ biến, tiếp cận đến cho mọi thiết bị di động còn Samsung sẽ chỉ cài Android cho các thiết bị của họ, giống cách Apple đang làm với IOS.

Đối thủ số 1 của Android chính là IOS, đây là hệ điều hành di động của Apple được thiết kế tối ưu cho các thiết bị của họ như iPhone, iPad, iPod. Trước đây người ta nghi ngờ khi Apple tìm cách tự thiết kế, sản xuất mọi thứ nhưng sau khi trải nghiệm các sản phẩm của hãng, người dùng nhận ra rằng việc họ kiểm soát tất cả các quá trình tạo nên sự đồng nhất cũng như tính kết nối mọi thiết bị trong hệ sinh thái của Apple.

Khoảng 1 thập kỷ gần đây, thị phần hệ điều hành chỉ là cuộc đối đầu của Android và IOS. Với đặc điểm mã nguồn mở, Android dễ dàng được các hãng điện thoại tiếp cận để tinh chỉnh cho thiết bị của mình trong khi IOS vẫn luôn là độc quyền của Apple. Không khó để thấy Android có ở khắp nơi nhưng tình hình có vẻ khả quan với IOS hơn khi nhiều số liệu chỉ ra số lượng thiết bị chạy IOS vẫn tăng đều theo các năm còn Android lại sụt giảm. Điều này có thể được lý giải khi Apple mở rộng được thị trường sản phẩm điện thoại thông minh còn với Android, nhiều hãng điện thoại đang tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào Google.

Tuy thị phần của Android đã giảm nhưng vị trí đứng đầu của hệ điều hành này có lẽ sẽ phải khá lâu mới đổi chủ. Cạnh tranh chỉ là 2 cái tên cũ và cũng chính 2 cái tên này đã làm rất nhiều đối thủ của họ rớt đài, trong đó có cả những “ông lớn” như Microsoft với cái tên gây thất vọng là Windows Phone.

Microsoft đã chi bộn tiền để mua mảng điện thoại thông minh của Nokia, thậm chí tự xây dựng hệ điều hành Windows Phone cho những chiếc máy nhưng cuối cùng họ lỗ nặng và những chiếc Lumia chìm vào quyên lãng. Một cựu CEO của Microsoft từng thừa nhận họ tiếc vì đã không tập trung cho Windows Phone sớm hơn dẫn đến phải từ bỏ hoàn toàn mảng di động.

Một câu chuyện khác không liên quan đến công nghệ mà lại bắt nguồn từ căng thẳng chính trị dẫn đến một hãng điện thoại Trung Quốc buộc phải tự làm hệ điều hành, đó là trường hợp của Huawei. Năm 2019, khi chính quyền Mỹ áp đặt lệnh cấm vận lên một loạt các công ty công nghệ Trung Quốc đã khiến hãng này không còn giấy phép sử dụng Android của Google. Trong tình cảnh đó, họ bắt buộc phải tự xây dựng một hệ điều hành mang tên Harmony OS.

Dù không có tình huống này xảy ra thì Huawei cũng đã tự phát triển hệ điều hành từ những năm 2012 bởi các công ty nước này thường không muốn phụ thuộc công nghệ vào các công ty nước ngoài và giờ đây trình độ công nghệ của họ đã rất phát triển, điển hình như WeChat, Tiktok, các siêu ứng dụng của Trung Quốc. Việc bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách đen chỉ thúc đẩy Huawei thực hiện công việc nhanh hơn. Tuy nhiên, thiết kế một hệ điều hành không phải là điều đơn giản, trước đó, nhiều công ty khác như Microsoft hay Samsung đều thử làm nhưng chưa bên nào thành công cạnh tranh được với Android. Khó khăn mà Huawei gặp phải đó là thói quen của người dùng khi họ đã quá quen với Android và IOS, các ứng dụng trong hệ sinh thái của 2 hệ điều hành này cực kỳ đồ sộ, được cập nhật liên tục do đó nếu HarmonyOS chạy một mình vào thời điểm này sẽ gặp rất nhiều thách thức. Huawei có đủ tiềm lực về kinh tế và được sự hậu thuẫn của chính phủ nhưng có thể cạnh tranh được với Android hay IOS vẫn là một câu hỏi khó trả lời.

 

 

Tin tức liên quan

Admin