Sàn Bắc Giang, Sàn giao dịch công nghệ, sàn trực tuyến, chuyển giao công nghệ, mua bán công nghệ

Sàn Bắc Giang, Sàn giao dịch công nghệ, sàn trực tuyến, chuyển giao công nghệ, mua bán công nghệ

Chào mừng đến với sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Bắc Giang!

Giải pháp nâng cao giá trị quả vải

Giải pháp nâng cao giá trị quả vải

Năm 2022, tổng diện tích trồng vải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 28.300ha. Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tổng sản lượng vải thiều năm nay đạt hơn 199,5 nghìn tấn, trong đó, vải sớm đạt hơn 61 nghìn tấn, vải chính vụ  đạt 138,5 nghìn tấn. Sản lượng vải thiều xuất khẩu đạt khoảng 80 nghìn tấn.

Để nâng cao giá trị quả vải, từ lâu Bắc Giang đã xây dựng nhiều giải pháp để nâng tầm đặc sản này thành sản phẩm quốc gia. Bên cạnh xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường, chính quyền các cấp cùng ngành chức năng đã hỗ trợ người trồng áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đa dạng thị trường.

Hiện nay, các sản phẩm chủ yếu từ quả vải bao gồm vải tươi, vải sấy khô, các sản phẩm chế biến khác như nước ép, cùi đóng hộp... Vải tươi chỉ có thời hạn sử dụng ngắn do đó, vấn đề thu hoạch, chế biến, bảo quản ngày càng được quan tâm, đặc biệt là các đơn vị chế biến, xuất khẩu.

(Các sản phẩm từ quả vải)

Công nghệ chế biến hiện tại tập trung vào bảo quản quả tươi, chế biến và sấy khô. Bảo quản quả vải tươi đơn giản nhất là ngâm nước đá trước khi đóng gói, vận chuyển. Bên cạnh phương pháp truyền thống, một số công nghệ hiện đại cũng đang được áp dụng như công nghệ Jural của Israen, công nghệ CAS, sử dụng màng bao gói khí quyển…

Nhìn chung, phần lớn các cơ sở sơ chế/tiêu thụ vải tươi sử dụng công nghệ ướp lạnh đơn giản, chi phí rẻ, đầu tư trang thiết bị thấp. Do đó thời gian bảo quản/tiêu thụ bị rút ngắn, chủ yếu phục vụ cho thị trường trong nước hoặc xuất Trung Quốc.

Các công nghệ hiện đại chỉ có một số ít đơn vị đầu tư, chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu những thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu... Tuy đã mang lại hiệu quả nhưng vẫn có khó khăn để áp dụng diện rộng do chi phí đầu tư lớn, công suất chưa cao.

Về chế biến quả vải chủ yếu là sử dụng cùi vải để làm vải đóng lon và nước ép vải. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 công ty đã đầu tư công nghệ chế biến cùi vải là Công ty CPXNK Toàn Cầu và Công ty VIFOCO. Sản lượng còn hạn chế do khó khăn trong công đoạn sơ chế ban đầu làm hoàn toàn thủ công.

Vải sấy khô cũng là một cách bảo quản được áp dụng từ lâu. Tại Lục Ngạn, có khoảng 3,5 nghìn lò sấy vải trong đó chủ yếu là các lò sấy vỉ ngang truyền thống. Các lò này sử dụng tác nhân sấy là khí - khói có nhiệt độ cao đối lưu hoặc cưỡng bức đẩy qua lớp nhiên liệu từ dưới lên trên. Ưu điểm của lò sấy kiểu này là chi phí đầu tư thấp, sử dụng nhiên liệu than hoặc củi có sẵn, lò dễ thao tác vận hành, năng suất lớn tuy nhiên do tiếp xúc trực tiếp với khói lò nên chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng trực tiếp. Vì lò chiếm diện tích lớn, khói không có thiết bị phân bố đồng đều, đảo nhiên liệu thủ công nên thành phẩm chất lượng không đồng đều. Hiện tại đã có một số mô hình sấy mới được áp dụng như mô hình sấy sử dụng năng lượng nhiệt bằng điện, sử dụng lò hơi cấp nhiệt gián tiếp nhưng do công suất thiết  bị còn thấp, chi phí sản xuất cao nên các mô hình này vẫn khó tiếp cận với các hộ sản xuất.

(Lò sấy vải)

Vải là loại quả có tính mùa vụ, thời gian thu hoạch ngắn, nếu không có công nghệ bảo quản thích hợp, quả vải không thể mở rộng đến các thị trường tiềm năng nhưng bị rào cản bởi khoảng cách địa lý cũng như tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt.

Để nâng cao giá trị quả vải, việc mở rộng diện tích trồng áp dụng tiêu chuẩn cao (GlobalGap, USDA, JASS…) vào sản xuất/canh tác cần tiếp tục được duy trì và phát triển. Đây là khâu đặc biệt quan trọng vì để đạt được các chứng nhận như hữu cơ, GlobalGap…, vùng trồng cần được quản lý chặt chẽ từ đất đai, nguồn nước, không khí, đảm bảo có vùng đệm, vùng cách ly để ngăn chặn các yếu tố độc hại…

Nghiên cứu, lai tạo, phát triển thành công các giống vải trái vụ, vải không  hạt, kéo dài thời gian thu hoạch quả vải. Vải sớm Phúc Hòa, huyện Tân Yên là một ví dụ thành công điển hình khi tập trung vào sản xuất vải sớm. Thu hoạch sớm hơn vải thiều chính vụ, quả vải thơm ngon, năng suất cao giúp bà con nơi đây dễ dàng đưa sản phẩm vào thị trường, không bị cạnh tranh bởi những vùng trồng vải chính vụ khác.

Khâu bảo quản, chế biến có vai trò quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ, tránh rủi ro được mùa rớt giá. Do đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển, đa dạng các công nghệ  bảo quản quả tươi nhằm tăng thời gian bảo quản và đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, giúp quả vải tươi đủ điều  kiện đi xa, chất lượng ổn định.

Phát triển các giải pháp/ thiết bị phụ trợ để các doanh nghiệp chế biến quả vải tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đầu tư, nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm từ quả vải.

 

Tin tức liên quan

Admin